Tiếp sau mini-seminar “Ứng dụng các phương pháp dạy học sáng tạo” (nằm trong chuỗi báo cáo chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá nhằm đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra học phần”) đã được tổ chức ngày 02 tháng 8 năm 2022, sáng ngày 24 tháng 9 năm 2022, Khoa Quốc tế học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng tổ chức buổi mini – seminar thứ hai với chủ đề “Đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học”.
Tham gia buổi seminar có đại diện lãnh đạo và giảng viên một số khoa trong trường, Ban Chủ nhiệm khoa Khoa Quốc tế học, các báo cáo viên cùng toàn thể giảng viên trong khoa.
Phát biểu mở đầu buổi seminar, ThS. Lê Thị Phương Loan – Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Quốc tế học nhấn mạnh, việc tổ chức các buổi seminar là một trong những hoạt động sinh hoạt chuyên môn dành cho giảng viên Khoa Quốc tế học với mục đích nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên. Seminar lần này với nội dung thiết kế hoạt động kiểm tra, đánh giá sinh viên phù hợp với các chuẩn đầu ra học phần, giúp giảng viên có thể đánh giá người học, dễ dàng đo lường mức độ đạt được các chuẩn đầu ra của sinh viên ở các học phần, và từ đó có thể đo lường được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Sau phần phát biểu của Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Quốc tế học, các báo cáo viên đã lần lượt trình bày về báo cáo của mình. Mở đầu chuỗi báo cáo, ThS. Lê Thị Phương Loan trình bày báo cáo với nội dung “Phương pháp tiếp cận giáo dục dựa vào kết quả đầu ra”.
Phương pháp tiếp cận giáo dục dựa vào kết quả đầu ra (outcome-based education-OBE) là một cách tiếp cận toàn diện để tổ chức và vận hành hệ thống giáo dục chú trọng vào những điều thiết yếu người học có khả năng thực hiện sau khi hoàn thành khóa học. Với cách trình bày rõ ràng, dễ hiểu về các nội dung như mục đích của OBA, sự khác biệt giữa phương pháp đánh giá OBA và phương pháp đánh giá theo truyền thống, điều kiện thực hiện OBA…, ThS. Lê Thị Phương Loan đã giúp các giảng viên dễ dàng hình dung hơn trong việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá việc học của mỗi sinh viên ở cách tiếp cận này.
Trong việc đánh giá người học thông qua kết quả bài thi, ThS. Nguyễn Võ Huyền Dung đã nêu lên sự cần thiết của việc xây dựng ma trận đề thi, đồng thời hướng dẫn giảng viên cách xây dựng ma trận đề thi trong bài báo cáo của mình.
Ma trận đề thi sẽ giúp định lượng hóa nội dung đề thi một cách cụ thể, khách quan; giúp cân đối lượng kiến thức và kỹ năng trong đề thi; có thể đánh giá được mức độ khó/dễ của đề thi, bảo đảm mức độ phân hóa. Qua đó, giảng viên sẽ dễ dàng đo lường mức độ đạt được các chuẩn đầu ra của sinh viên ở từng học phần. Với việc hướng dẫn một cách chi tiết cách triển khai ma trận đề thi thông qua một ma trận đề thi mẫu, ThS. Nguyễn Võ Huyền Dung đã giúp giảng viên tháo gỡ được các khó khăn trong vấn đề ra đề thi dựa trên sự tương ứng của đề thi với số câu hỏi và thang điểm ở ma trận đề thi.
Trong quy trình đánh giá người học, sau khi đã ra đề thi và nhận kết quả bài làm của sinh viên, giảng viên sẽ tiến hành chấm điểm. Điểm số chính là kết quả phản ánh mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học. Tuy nhiên, ở từng học phần, đề thi sẽ được thể hiện ở nhiều kỹ năng khác nhau thông qua từng chuẩn đầu ra môn học. Do đó, giảng viên cần đánh giá người học ở từng chuẩn đầu ra một cách khách quan. Vậy làm thế nào để đánh giá sinh viên ở từng chuẩn đầu ra, qua đó có thể cho từng sinh viên biết được mình mạnh ở kỹ năng nào, yếu ở kỹ năng nào qua kết quả bài thi của mình? Để làm được điều đó, ThS. Lê Nguyễn Hải Vân đã hướng dẫn các giảng viên cách thu thập điểm và chạy dữ liệu điểm trên file excel nhằm đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học thông qua bài báo cáo của mình.
ThS.Lê Nguyễn Hải Vân trình bày báo cáo tại buổi seminar
Sau 03 báo cáo, các giảng viên trong và ngoài Khoa Quốc tế học đều hào hứng đặt câu hỏi và trao đổi những nội dung liên quan mà các báo cáo viên đã trình bày. Buổi seminar thực sự đã hỗ trợ rất nhiều cho các giảng viên trong việc đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học một cách chính xác và khoa học./.