SEMINAR “ỨNG DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC SÁNG TẠO”

Phương pháp dạy học là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến tính hiệu quả của quá trình dạy – học của giảng viên và người học cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo. Nhằm tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội tiếp cận với những phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả cùng những phương pháp kiểm tra, đánh giá người học khách quan, chính xác, chiều ngày 02 tháng 8 năm 2022, được sự cho phép của lãnh đạo Nhà trường, Khoa Quốc tế học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức buổi seminar “Ứng dụng các phương pháp dạy học sáng tạo” tại cơ sở 131 Lương Nhữ Hộc. Đây là mini-seminar đầu tiên nằm trong chuỗi báo cáo chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá nhằm đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra học phần” do Khoa Quốc tế học tổ chức vào tháng 8 và tháng 9 năm 2022.

          Tham gia buổi seminar có đại diện lãnh đạo Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, đại diện lãnh đạo và giảng viên một số khoa trong trường, Ban Chủ nhiệm khoa Khoa Quốc tế học, 03 báo cáo viên cùng đông đảo các giảng viên trong khoa.

          Mở đầu buổi seminar, ThS. Lê Thị Phương Loan – Phó Trưởng khoa Phụ trách đã nêu lên mục đích của chuỗi báo cáo chuyên đề cũng như buổi mini-seminar thứ nhất “Ứng dụng các phương pháp dạy học sáng tạo” này. ThS. Phương Loan nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động sinh hoạt chuyên môn của khoa nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên, giúp giảng viên có thể đổi mới, sáng tạo các phương pháp giảng dạy để tăng cường sự hứng thú cho sinh viên trong các giờ học. Đó là giải pháp hiệu quả giúp sinh viên chủ động trong quá trình tiếp nhận tri thức khi ngồi trên giảng đường. Ngoài ra, các seminar còn giúp giảng viên có thể đánh giá người học, dễ dàng đo lường mức độ đạt được các chuẩn đầu ra của sinh viên ở các học phần.

ThS. Lê Thị Phương LoanPhó Trưởng khoa Phụ trách phát biểu tại buổi seminar

Sau phần phát biểu của ThS. Lê Thị Phương Loan, các báo cáo viên lần lượt trình bày các bài báo cáo của mình: ThS. Võ Thị Giang và ThS. Hoàng Lê Trà My trình bày về phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá của học phần “Kỹ năng học đại học” và học phần “Kỹ năng mềm”. ThS. Lê Nguyễn Hải Vân trình bày về phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá của học phần “Phương Đông trong toàn cầu hóa”.

Về học phần “Kỹ năng học đại học” và học phần “Kỹ năng mềm”, đây là hai học phần mà sinh viên nhiều ngành của Khoa Quốc tế học sẽ được học ngay từ năm nhất. Thông qua hai học phần, sinh viên sẽ được cung cấp nền tảng và cách vận dụng các kỹ năng học thuật cần thiết vào thực tế học tập và nghiên cứu tại trường và cả sau khi ra trường, có thể nhanh chóng thích nghi với cách dạy của giảng viên, chủ động tiếp cận tri thức, xử lý thông tin và làm chủ hoạt động của bản thân.

ThS. Võ Thị Giang báo cáo tại buổi seminar

Bằng sự đầu tư, tâm huyết cũng như việc tự rút ra kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy sinh viên của mình, ThS. Võ Thị Giang và và ThS. Hoàng Lê Trà My đã nêu lên cụ thể phương pháp dạy và học để trang bị cho sinh viên các kỹ năng học đại học và kỹ năng mềm cần thiết.

Sinh viên sẽ thực hiện các bài tập cá nhân và bài tập nhóm bằng nhiều hình thức như làm các sản phẩm cá nhân scrapbook/video/animated video, thảo luận nhóm, thực niện mini lecture, mini workshop… Với các hình thức dạy và học này, giảng viên có thể đánh giá được sinh viên ở nhiều kỹ năng cùng lúc, giúp sinh viên củng cố tư duy đa chiều, tăng cường sự tương tác và phản xạ trong các buổi tranh biện tại lớp, tăng khả năng tư duy và diễn đạt thông tin hiệu quả. Sinh viên còn có thể đạt được nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng nhận thức bản thân, kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức công việc, kỹ năng quản trị cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo…

ThS. Hoàng Lê Trà My báo cáo tại buổi seminar

Sau phần trình bày của ThS. Võ Thị Giang và ThS. Hoàng Lê Trà My, ThS. Lê Nguyễn Hải Vân đã trình bày về phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá mà thạc sĩ đã triển khai trong học phần “Phương Đông trong toàn cầu hóa”. Đây là học phần chuyên môn thuộc loại tự chọn bắt buộc của sinh viên năm cuối ngành Đông Phương học. Học phần đòi hỏi cao các kiến thức cũng như kỹ năng ở người học. Do đó, ThS. Lê Nguyễn Hải Vân đã luôn tìm tòi các phương pháp mới để thực sự mang lại hiệu quả nhưng không gây nhàm chán cho sinh viên. ThS. Hải Vân đã triển khai cho sinh viên các hình thức bài tập cá nhân và bài tập nhóm như: thực hiện Blog post & Discussion (sinh viên tìm kiếm thông tin và chia sẻ tại kênh Blog Post, sau đó sẽ tham gia thảo luận vấn đề tại các post); các nhóm được phân công phụ trách hoạt động đầu giờ (giới thiệu sách, giới thiệu phim, chia sẻ tin tức…), đọc và thảo luận về tài liệu, trình bày phân tích ý kiến của nhóm dưới dạng mindmap, đọc/xem các tác phẩm (phim, truyện) liên quan đến nội dung học phần và viết phản tư, xây dựng video inforgraphic… Sau khi kết thúc học phần, giảng viên còn tiến hành thu thập ý kiến của sinh viên để có những điều chỉnh phù hợp về các phương pháp thực hiện.

ThS. Lê Nguyễn Hải Vân báo cáo tại buổi seminar

Sau khi trình bày rất rõ ràng, chi tiết về cách thức triển khai dạy – học – kiểm tra – đánh giá các học phần, các báo cáo viên còn phân tích một cách chi tiết các ưu điểm cũng như những khó khăn, hạn chế của phương pháp, sau đó đưa ra các đề xuất cải tiến.

Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các giảng viên đều tỏ ra rất quan tâm về các phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá của 03 học phần, bởi các phương pháp đó có thể nói là rất sáng tạo và đều là những gợi ý cho các giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của mình. Do đó, một cuộc thảo luận, trao đổi sôi nổi đã diễn ra giữa các báo cáo viên và giảng viên tham dự. Các giảng viên đã đưa ra các câu hỏi xoay quanh các vấn đề mà các báo cáo viên đã trình bày, như quy trình tiến hành cụ thể như thế nào, sinh viên cần thời gian để chuẩn bị bài tập nhóm ra sao, làm thế nào để đánh giá được năng lực của từng sinh viên khi tham gia làm bài tập nhóm một cách khách quan, chính xác… Ngoài ra, một số giảng viên giàu kinh nghiệm còn đưa ra những góp ý thiết thực cho các báo cáo viên khi thực hiện các phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá thông qua các học phần mà các báo cáo viên đã trình bày.

Các giảng viên thảo luận, trao đổi với báo cáo viên tại buổi seminar

          Ban Chủ nhiệm khoa cũng như các giảng viên trong và ngoài khoa đánh giá rất cao về tính thiết thực của buổi seminar. Mặc dù các phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá mà các báo cáo viên đã triển khai ở các học phần vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng đó thực sự là những phương pháp đòi hỏi một sự tâm huyết và sự đầu tư không nhỏ, là sự không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của các giảng viên để có thể mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác dạy và học tại trường đại học. Buổi seminar chính là cơ hội để các giảng giảng viên Khoa Quốc tế học và giảng viên các khoa khác có thể học hỏi, ứng dựng các phương  pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá mà các báo cáo viên đã trình bày vào trong các học phần mình phụ trách ./.

Ban Chủ nhiệm khoa, báo cáo viên và các giảng viên chụp hình lưu niệm