HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM CỦA SINH VIÊN TRAO ĐỔI
Nằm trong chương trình trao đổi của sinh viên Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc đang học tập Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa, ngày 14/6/2020, Khoa Quốc tế học đã tổ chức chuyến tham quan trải nghiệm thực tế tại Thánh địa Mỹ Sơn, Làng gốm Thanh Hà và khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Sinh viên tham quan tại Thánh địa Mỹ Sơn
Hoạt động trải nghiệm thực tế về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam có vai trò rất quan trọng, giúp cho sinh viên trao đổi của Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc có điều kiện học tập và hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Tại Thánh địa Mỹ Sơn, các em được nghe ông Lê Xuân Tiến (người hướng dẫn) nhiệt tình giới thiệu về những di tích cổ của người Chăm pa và những ngôi đền cổ từ thế kỉ XIV đến nay, trong đó có nhiều ngôi đền bị tàn phá nặng nề qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Các em rất thích thú khi nghe người hướng dẫn giải thích, phân biệt về những viên gạch mới và gạch cổ. Ở đây, có khá nhiều viên gạch có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm. Các em đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tìm hiểu về cách thức của người Chăm pa cổ sử dụng gạch nung để tạo nên di tích Thánh địa Mỹ Sơn bằng cách đẽo gọt và xếp chồng các viên gạch lên nhau mà không hề sử dụng một chất kết dính nào, càng nhiều tuổi thì những viên gạch càng đẹp và không bị rêu mốc, ngoại trừ những viên bị nứt vỡ. Đến với Thánh địa Mỹ Sơn, các em không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc đền tháp độc đáo, nghệ thuật điêu khắc vô cùng tinh xảo, sống động như thật, dấu tích về chữ viết của người Chăm pa, mà còn được xem những tiết mục văn hóa đặc sắc của người Chăm pa như múa Apsara, múa đội nước…
Tiết mục văn hóa đặc sắc của người Chăm – Múa đội nước.
Sau cuộc hành trình đến với Thánh địa Mỹ Sơn, các em nghỉ trưa tại Hội An Silk Village Reort& Spa và được thưởng thức ẩm thực Hội An với các món ăn đặc sản như: Cao lầu Hội An, các món ăn dân dã mang hương vị rất đặc trưng của người phố cổ Hội An.
Buổi chiều, các em đi tham quan Làng gốm Thanh Hà, tại đây các em đã có nhiều trải nghiệm thật thú vị. Sự thích thú thể hiện trên từng gương mặt khi các em tự tay làm ra các sản phẩm bằng gốm như bình cắm hoa, chiếc cốc dùng để uống nước … các em đã nâng niu chúng như những báu vật để dành tặng cho người thân.
Sinh viên đang làm các sản phẩm bằng gốm.
Sau đó, đoàn lại tiếp tục tham quan nhà cổ Phùng Hưng, phố cổ Hội An và chùa Cầu. Các em được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử 200 năm xây dựng nhà cổ với thiết kế theo lối kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Các em cũng được nghe các giảng viên đi cùng giới thiệu về chùa Cầu – một biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu được xem là linh hồn của phố cổ. Vì vậy, khi đến chùa Cầu các em đã không bỏ lỡ việc chụp ảnh lưu niệm cho cuộc hành trình đến với Hội An.
Chùa Cầu – một biểu tượng của Hội An.
Chuyến đi thực sự là một điểm nhấn đáng nhớ với các em trong hành trình một năm học tập và sinh hoạt tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Nếu như việc học ở trường giúp các em rèn luyện những kỹ năng tiếng Việt, cung cấp cho các em kiến thức nền tảng về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì chuyến đi trải nghiệm thực tế này đã cho các em cơ hội thực hành và lĩnh hội sâu hơn những kiến thức đã học tại lớp, trau dồi kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua các hoạt động sau chuyến đi.
Sau một ngày trải nghiệm ở Thánh địa Mỹ Sơn, Làng gốm Thanh Hà và Phố cổ Hội An tưởng chừng như các em rất mệt nhưng không, gương mặt và ánh mắt của các em vẫn còn xao xuyến. Một bạn sinh viên trong lúc cùng giáo viên tản bộ ở Phố cổ đã nói “Em đã đi du lịch khắp nơi, nhưng Hội An vẫn ở mãi trong tim em, những chiếc đèn lồng đã cho em cảm giác về cuộc sống thanh bình, cổ kính”.